Tuesday, November 17, 2015

CÂU CHUYỆN VỀ BIỂN


Ngày xưa trên mặt đất chưa có biển xanh. Thần Tình yêu bấy giờ là người duy nhất cai quản cõi đời. Thần tặng cho tâm hồn mỗi con người thứ quý giá nhất: viên ngọc tình yêu. Khi con người đánh rơi viên ngọc của mình, nó sẽ tan thành trăm nghìn mảnh. Và mỗi mảnh hóa thành một giọt nước mắt mang hương vị của nỗi đau. Chúng không mất đi mà được thần tình yêu giữ lại để làm nên những viên ngọc khác. Biển từ đó ra đời…

Thuở ấy biển chỉ có một mình. Tình yêu càng làm cho con người đớn đau, biển lại càng thêm mênh mông, càng thêm cô quạnh. Lúc đó, trên mặt đất đầy những dấu chân của tình yêu, người ta thấy một con ốc nhỏ bé và lạc lõng. Con ốc tội nghiệp loay hoay không tìm được cho mình một lối đi, chỉ biết trú sâu trong chiếc vỏ. Thần Tình yêu không còn viên ngọc nào để cho nó. Thế là người đưa nó về với biển.

Biển từ đó bỗng biếc xanh, không phải vì phép nhiệm màu nào của thần Tình yêu, chỉ vì biển đã thôi một mình. Ngày ngày có con ốc nhỏ cạnh bên nghe biển hát…

Một đêm buồn, biển nói với con ốc nhỏ rằng biển chẳng có gì cho riêng mình. Nước mắt của con người, tình yêu của con người làm nên biển. Biển không có tình yêu. Biển chỉ có tiếng hát - chỉ có linh hồn. Nhưng tiếng hát ấy, người ta chỉ nghe một khoảnh khắc nào đó trong đời, rồi quên. Và linh hồn ấy, biển có nhờ gió mang đi giữ hộ, nhưng gió mãi vui nên đã đánh rơi đâu đó giữa đất trời. Thế nên biển thấy mình vô nghĩa…

Con ốc nhỏ nghe câu chuyện của biển, nó thương lắm…

Rồi một ngày kia, biển gọi mãi, gọi mãi mà không thấy con ốc nhỏ trả lời. Thần Tình yêu bảo con ốc nhỏ đã ra đi. Biển ngỡ ngàng, con sóng ngày ngày tràn về rồi lại ra đi như chờ mong một điều gì... Biển buồn. Nhưng rồi biển cũng nguôi quên…

Câu chuyện có lẽ mất hút vào hư vô, hay tan biến đi như những bọt biển, nếu không có một ngày…

Một ngày, ở một nơi rất xa biển, có một cô bé nhặt được chiếc vỏ ốc nằm lẻ loi. Tình cờ cô bé áp chiếc vỏ ốc vào tai, và chao ôi… từ trong ấy có những thanh âm da diết vọng về.

"Sao trong chiếc vỏ ốc này lại có tiếng hát của biển hở thần Tình yêu?" – cô bé tìm gặp và tò mò hỏi Người. Thần Tình yêu kể cho cô bé nghe câu chuyện về con ốc nhỏ. Ngày ấy, con ốc nhỏ đã thỉnh cầu với Người rằng hãy cho biển được giữ lại tiếng hát. Người bảo đó là điều không thể, trừ phi… Vậy là con ốc nhỏ từ bỏ linh hồn mình để được giữ linh hồn của biển. Nó phải ra đi thật xa. Và biển sẽ mãi mãi không bao giờ biết được…

Con ốc nhỏ đã khóc thật nhiều, nước mắt của nó cũng không được trở về bên biển.

Nhưng nó biết, giờ đây, biển đã có linh hồn, và rồi biển cũng sẽ có tình yêu.

Chuyện rằng con ốc nhỏ vẫn ngàn năm mang theo linh hồn của biển…

Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên 
Lời Chúa: 
 Mt 14,22-33
22 Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. 25 Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. 27 Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". 28 Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". 29 Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. 30 Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". 31 Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" 32 Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. 33 Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"
"Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy." (Mt 14,28)

Saturday, October 24, 2015

Helen Keller - Người phụ nữ phi thường



 Trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, hai bộ phim (một tài liệu, một phim truyện) cùng nói về cuộc đời của một người đàn bà đã được trao hai giải Oscar, gây xôn xao ngành công nghiệp giải trí thế giới. Người đàn bà đó là Helen Adams Keller - người khiếm thị đầu tiên trên thế giới nhận bằng đại học, rồi trở thành Tiến sĩ danh dự của Đại học Harvard và nhiều trường đại học danh tiếng khác.

   Helen Adams Keller (27/6/1880 - 1/6/1968) là nhà văn, nhà hoạt động chính trị và giảng viên người Mỹ. Bà là người mù và điếc đầu tiên nhận được bằng Thạc sỹ Nghệ thuật. Câu chuyện về cô giáo của bà, Anne Sullivan, vượt qua sự cô lập gần như hoàn toàn trong sự thiếu vắng ngôn ngữ để dạy bà cách giao tiếp và nhận thức thế giới được biết tới rộng rãi trên thế giới qua vở kịch và bộ phim The Miracle Worker - Người Lao động Phi thường.
    Đã có 7 Tổng thống Mỹ và Thủ tướng của nhiều nước dành thời gian tiếp kiến bà. Helen Keller đã cất công đi khắp thế giới để nói với những người cùng cảnh ngộ một điều giản dị: “Khuyết tật không phải là bất hạnh tột cùng của con người. Người mù không phải là thiên tài cũng không phải là một kẻ ngốc. Trách nhiệm của cộng đồng là giúp đỡ người đó làm hết khả năng của mình để có thể chiến thắng ánh sáng qua công việc”… Bằng tất cả những nỗ lực phi thường, Helen Keller đã viết nên 12 cuốn sách - 12 bài ca huy hoàng nhất về sự vươn lên của con người…
                                                    Helen Adams Keller

  Helen Keller là người Mỹ gốc Đức, sinh ngày 27/6/1880 tại Tuscumbia thuộc vùng Tây Bắc Alabama. Trong 19 tháng đầu tiên của cuộc đời, Helen là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu, suốt ngày líu lo như chim hót. Nhưng chỉ sau một trận sốt bại não, cô bé đã mất đi gần như tất cả các khả năng giao tiếp của một con người: không nhìn thấy ánh sáng, không nghe thấy âm thanh…Phải rất lâu sau khi Helen bình phục, cha mẹ cô bé mới nhận thấy các dấu hiệu bất bình thường đó. Họ đã trải qua tất cả các nấc thang tâm lý khi phải đối mặt với một sự thật quá phũ phàng: hoảng sợ, chạy trốn, phủ nhận, giấu giếm nỗi đau, bế tắc… Nhưng may thay, cuối cùng họ đã thoát ra được tất cả các trạng thái tâm lý đó và đã gắng làm tất cả những việc có thể để cứu cô bé khỏi thế giới mù lòa. Và việc làm có ý nghĩa lớn lao nhất của họ là đã tìm được những vị “cứu tinh” cho cuộc đời khốn khổ của cô bé.

    Vị “cứu tinh” đầu tiên của Helen là Alexander Graham Bell. Lúc bấy giờ Bell là một nhà chuyên môn làm việc tại trường của trẻ em điếc. Nhờ có ông, Helen mới có cơ hội được gặp gỡ Anagnos – Hiệu trưởng Học viện Y khoa Perkins kiêm Giám đốc Bệnh viện tâm thần Massachusetts. Chính Anagnos đã tìm cho Helen một “vị cứu tinh” thứ hai, người được tôn vinh là “thiên sứ của ánh sáng” đã đưa cô bé quay trở lại với cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.

    Cô giáo của Helen tên là Anne Sullivan, 20 tuổi, người Irland, là một người có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng từng sống trong thế giới mù lòa suốt mười lăm năm trời. Cô đã tốt nghiệp Học viện Y khoa Perkins và nhờ hai lần phẫu thuật mắt nên đã lấy lại được một phần thị lực. Thấm thía nỗi đau của một người đã từng sống trong bóng tối, khi được Anagnos giới thiệu làm gia sư cho Helen, Anne đã nhận lời, với hy vọng cứu vớt một sinh linh khốn khổ.

    Thật khó có thể kể hết những gian nan vất vả của Helen trên hành trình tìm đến với “ánh sáng”. Đành rằng Helen may mắn gặp được cô giáo Anne có trái tim nhân hậu, có kỹ năng sư phạm, song nếu cô bé Helen chẳng chịu hợp tác với cô giáo, chấp nhận buông trôi cuộc đời mình vĩnh viễn trong tăm tối thì cô giáo Anne cũng đành phải bó tay. Nhưng Helen đã không chịu đầu hàng số phận, đã nhẫn nại tìm hiểu ý nghĩa của từng từ một và cố gắng viết lại từ đó trên lòng bàn tay. Cảm giác về cái ngày 5/4/1887, cái ngày Helen hiểu và viết lại được từ đầu tiên là từ “nước” ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của cô bé.

    Trong cuốn tự truyện “Cuộc đời tôi”, Helen Keller đã ghi lại cảm xúc kỳ diệu của mình vào thời khắc đó: “Lúc đó chúng tôi đi ra giếng nước trong vườn và ngất ngây trước hương thơm ngào ngạt của loài hoa honey- suckle. Cô giáo tôi viết từ “water” (nước) vào tay tôi trong khi rót một dòng nước mát lạnh vào tay kia, tôi đứng lặng cảm nhận cử động ngày càng nhanh của các ngón tay của Anne. Bất thình lình một cảm giác mơ hồ, bị lãng quên từ lâu đã sống dậy trong tôi. Một cảm xúc trào dâng và không sao hiểu nổi sự bí ẩn của ngôn ngữ bỗng dưng hé mở với tôi. Tôi nằm trên chiếc giường nhỏ và trải qua cái ngày có ý nghĩa trọng đại vô cùng trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi chờ đợi một ngày mai với một tâm trạng háo hức”…

                                             Helen Keller và cô Anne Sullivan

    Sau khi được cô Anne dắt vào thế giới của ngôn từ, Helen bắt đầu được cô dạy chữ braille (chữ nổi, dành cho người khiếm thị) và sử dụng chiếc máy chữ dành cho người khiếm thị. Lên mười tuổi, Helen được Mary Swift Lamson dạy nói. Cuối cùng thì sau chín năm im lặng, cô bé mù và điếc đã biết nói: “Bây giờ tôi không còn câm nữa”!

    Năm 16 tuổi, Helen vào học trường nữ sinh Cambridge và 4 năm sau trở thành sinh viên mù, điếc đầu tiên của Đại học Radcliffe. Tất nhiên là cô giáo Anne đã phải học cùng với Helen ở tất cả các cấp học. Helen luôn có cô Anne ngồi cạnh để viết lại nội dung bài giảng vào lòng bàn tay, còn cô dùng máy chữ để ghi lại bài giảng. Số lượng bài vở khổng lồ ở Đại học Radcliffe là một thách thức cực kỳ to lớn đối với cả hai cô trò, nhưng với sự kiên định của mình, Helen không chỉ hoàn thành tất cả các yêu cầu của một sinh viên, mà còn viết nên cuốn sách đầu tiên của cuộc đời bằng chữ braille, cuốn “Cuộc đời tôi”. Cuốn sách được xuất bản năm 1903, trước khi Helen nhận bằng cử nhân một năm, đã gây xôn xao dư luận toàn nước Mỹ và đưa cô gái mù lòa vào đội ngũ các nhà văn thế giới. “Cuộc đời tôi” đã nhận được giải thưởng Văn học Mỹ, trở thành một trong những cuốn sách kinh điển của văn học thế giới và sau đó được chuyển thể thành kịch bản “Người sáng tạo kỳ tích”.





    Làm gì sau khi tốt nghiệp đại học để kiếm sống là một câu hỏi khá hóc búa đối với Helen. Nếu chỉ trông vào nhuận bút của những cuốn sách, chắc chắn cô sẽ không thể tự nuôi sống bản thân, càng không thể trả lương cho cô Anne và cô thư ký Poly Thomson. Thế là Helen nảy ra sáng kiến đi diễn thuyết để kiếm tiền. Cùng với Anne, Helen bắt đầu những cuộc thuyết trình vòng quanh thế giới. Thù lao thu được từ những buổi diễn thuyết xuyên lục địa đó đã đảm bảo cho hai cô trò cuộc sống tương đối đầy đủ. Về sau, khi nhu cầu nghe của khán thính giả giảm dần, họ chuyển sang làm kịch vui và thu được thành công vang dội, với thù lao khoảng hai ngàn đôla mỗi tuần.

   Không chỉ nuôi sống bản thân và thực hiện những dự án văn chương, Helen còn nỗ lực phấn đấu vì quyền lợi của người mù, trước hết trên toàn nước Mỹ, sau đó là toàn thế giới. Helen đã dùng chính ngôi nhà của mình làm trụ sở để gây quỹ từ thiện giúp người mù và điếc. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cùng với nữ thư ký Polly Thomson, Helen đã đến Nhật, Australia, Nam Phi để gây quỹ cho tổ chức “Những người mù hải ngoại”…

   Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Helen đã có mặt tại hơn 70 bệnh viện để an ủi, động viên thương bệnh binh kiên cường chống chọi với số phận, làm cho họ hiểu rằng tàn phế không có nghĩa là hết hy vọng trước cuộc sống. Trong ba lần tới nước Nhật, bà được nhân dân Tokyo tiếp đón nồng nhiệt. Bà kể với mọi người rằng, mình chỉ là một người không may mắn nhưng đã dùng ý chí nghị lực để chống trả lại số phận trớ trêu, nhằm mang lại tình thương và sự bù đắp cho người tàn tật.

    Trong khi không ngừng phấn đấu vì quyền lợi của người mù, Helen vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành những cuốn sách của cuộc đời. Cùng với “Cuộc đời tôi”, Helen còn viết “Thế giới trong tôi”, “Cô giáo của tôi”… Trong “Cô giáo của tôi”, Helen đã dùng những lời đẹp nhất, có ý nghĩa nhất để tri ân đối với cô giáo Anne. “Nếu không có Anne thì chằng bao giờ thế giới biết đến cái tên Helen Keller”. Không giống như những cuốn sách khác, hành trình “Cô giáo của tôi” đến với công chúng khá đặc biệt. Khi bản thảo “Cô giáo của tôi” đã hoàn thành, chuẩn bị đưa in thì bị thiêu cháy cùng với ngôi nhà của Helen. Phải mất tới vài năm, Helen mới viết lại được bản thảo “Cô giáo của tôi”.

    Trong bộ ba Helen, Anne, Poly Thomson, Anne là người rời bỏ cuộc sống sớm nhất. Bà mất năm 1936, khi Helen 56 tuổi và 24 năm sau, Poly Thom Sơn cũng từ trần, để lại Helen đơn độc trên cõi đời. Đó là hai người thân thiết nhất đối với Helen, họ vừa là tai, vừa là mắt, vừa là miệng để Helen nhìn, sống, và cống hiến cho cuộc đời những gì bà đã trải nghiệm, đã giác ngộ.

Một số câu danh ngôn của Hellen Keller

  • Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin.
  • Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được.
  • Chúng ta không bao giờ có thể học được sự can đảm và kiên nhẫn nếu chỉ có niềm vui trên thế gian này.
  • Điều tôi đi tìm không ở ngoài kia, nó ở trong bản thân tôi.


"Đức tin của anh đã chữa anh"


Chúa Nhật 30 Thường Niên - Năm B
Lời Chúa: Mc 10,46-52


    Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường,  khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi".  Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi".
    Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh".  Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu.  Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".  Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Friday, October 23, 2015

THAY ĐỔI TÂM HỒN


 

     Có một người kia đến gặp một vị linh mục và nói: “Thưa cha,
 hôm nay con đến xin cha giúp con. Con bê bối lắm: Mười điều
 răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội Thánh, Bảy mối tội đầu,
điều nào con cũng phạm hết. Con xưng tội rồi, lại cứ phạm hoài.
 Con muốn thay 
đổi nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả. Con nản quá,
 muốn buông xuôi cho rồi.Đằng nào cũng phạm tội thì phạm
 thêm tí nữa có sao đâu!Nói thì nói vậy nhưng con vẫn thấy
 nó làm sao sao ấy.”
     Vị linh mục cười và nói: “Cha kể cho con một câu chuyện
 nhé: Một người kia đi làm trên thành phố. Sau Tết anh bị thất
 nghiệp, trở về quê buồn bã. Nguời cha an ủi: Thôi con ạ, nhất
 sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ. Con trở
 lại với miếng ruộng của gia đình mình đi. Sáng mai con hãy ra
 làm cỏ năm sào ruộng để tháng tới chúng ta sẽ gieo mạ xạ lúa.
Người con nghe lời, sớm mai vác cuốc ra đồng. Nhưng khi nhìn
 thấy đám ruộng mênh mông chỉ toàn cỏ với cỏ, anh ngán ngẩm,
 tìm một gốc cây nằm ngủ.
    Người cha biết chuyện, không la rầy, ôn tồn nói với con: “Mỗi
 ngày con làm cho cha một ít, 20 mét vuông thôi, con làm được
 không ?” “Dạ, ít vậy thì được.” Và cứ như thế,chẳng bao lâu
 đám ruộng đã sạch cỏ.
     Vị linh mục tiếp lời: “Tâm hồn con bây giờ cũng như đám
 ruộng kia, đầy cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu đi rồi con sẽ
 thấy kết quả. Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng điều quan
 trọng là luôn biết bắt đầu lại. Tội của con Chúa đã tha rồi,
 Chúa chỉ đòi hỏi con cố gắng mà thôi.”
     Nhiều năm sau đó, vị linh mục nhận được một thiệp mời
 đi dự lễ khấn trọn đời của một tu sĩ ngài không hề quen biết.
 Trong thiệp có ghi một hàng chữ sau: “Cám ơn cha đã chỉ
 cho con cách làm cỏ 15 năm trước đây.”


Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 13,1-9
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".


"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". (Lc 13,5)

Saturday, October 17, 2015

CÂU CHUYỆN ĐẸP VỀ CHÀNG TRAI 18 TUỔI SỬA GIÀY DÉP MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI NGHÈO GIỮA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

   Sài Gòn ngày đầu tháng 9 thường xuất hiện những cơn mưa vội đến rồi vội đi giống như sự hối hả của con người nơi đây. Nhưng đâu đó, giữa những bộn bề lo âu của cuộc sống mưu sinh vẫn có những người trẻ tuổi lặng lẽ một góc đường, lặng lẽ làm những việc tử tế để giúp đỡ mọi người xung quanh.
   Tại một góc nhỏ của con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP. HCM), hình ảnh một thợ sửa giày dép với dáng người nhỏ thó, gầy gò vẫn đang cặm cụi từng đường kim chỉ để hoàn thiện sản phẩm đã trở nên quen thuộc với những người lại qua. Phía trước tiệm sửa giày có để tấm bảng: "Nhận sửa giày dép cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị" khiến những người đi qua đều không khỏi xúc động.



Chuyện tử tế của chàng trai trẻ đang được nhiều người ủng hộ.

Những lời mộc mạc mà đầy ý nghĩa được viết trên một mặt của tủ sửa giày khiến nhiều người thán phục.

    Điều đặc biệt, chủ nhân của tiệm này là chàng trai trẻ Nguyễn Bá Cường (18 tuổi, nhà ở phường 1, quận 3, TP. HCM). "Người em trông nhỏ con và gầy tong teo như này nên mọi người hay gọi vui là nhóc Beo chứ thật ra em 18 tuổi rồi chứ bộ", chàng trai cười hiền lành.
   Đôi tay run run do vừa bị kim may đâm vào hôm qua khiến cho những đường chỉ khó khăn hơn nhưng Cường vẫn cố gắng làm vì em muốn tranh thủ làm xong giày cho khách để còn đóng lại đế giày tặng một cậu bé bán vé số. "Hôm trước em có hứa với cậu bé đó sẽ tặng cậu đôi giày. Bởi nhìn cậu bé chân đất đi bán vé số giữa trời nắng rát mà thương lắm. Phải cố gắng làm thật nhanh đôi giày cũ này để tặng cậu bé", Cường chia sẻ.



Nhờ tấm biển sửa giày miễn phí này mà nhiều người mảnh đời khó khăn đã ghé lại và nhận được sự giúp đỡ từ Cường.


Chàng trai trẻ luôn cảm thấy vui vẻ mỗi khi giúp đỡ được một ai đó.
    Trò chuyện với chúng tôi về những điều mình đang làm, Cường chỉ cười ngượng vì trong thâm tâm em luôn nghĩ rằng việc sửa giày miễn phí cho người nghèo chẳng có gì đáng kể. Cậu tâm sự: "Sài Gòn em thấy dễ sống nhưng để dành đồng ra đồng vào cũng khó khăn lắm. Thế nên giúp mọi người tiết kiệm được chút nào thì hay chút đó thôi ạ".




Bác xe ôm mang đôi giày bị hư phần đế nhờ Cường sửa giùm. Mọi người ở đây đều quen với việc làm tốt của Cường nên cũng không còn ngại ngùng khi nhờ em giúp đỡ.

    Cơ duyên đến với nghề sửa giày của Cường cũng khá tình cờ khi học hết năm lớp 6, em đã nghỉ học vì không thể theo kịp các bạn cùng trang lứa. Sau đó, Cường theo phụ người dì bán đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo được hơn 2 năm. Đến năm 16 tuổi, Cường được người hàng xóm (thầy dạy sửa giày hiện tại của Cường) nhận làm học trò. Khi đã thành thạo nghề và tự sửa được những lỗi cơ bản, Cường theo thầy sửa giày dép ở khu vực gần nhà.





"Sống là phải biết lao động..." được người thầy của Cường nắn nót chép lên tấm bảng gỗ để Cường luôn ghi nhớ.

    "Cách đây khoảng 9 tháng khi thầy mở tiệm giày này cho em, thầy có nói với em và người anh họ (cũng là học trò của thầy) về ý tưởng để biển sửa miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn thì bọn em đều đồng ý luôn. Cùng làm với em 3 tháng thì anh họ em nhường lại cho em", Cường cho hay.
    Còn về dòng chữ: "Sống là phải biết lao động, mới thành công trong cuộc sống. Sống thật thà mới thành người được quý trọng" trên tủ sửa giày được người thầy của Cường viết ra với mong muốn cậu học trò của mình luôn sống thật ý nghĩa.


Công việc sửa giày của Cường buộc phải ghi hóa đơn cho khách để tạo sự tin tưởng.

   Ba của Cường hiện là một nhạc công đám cưới còn mẹ làm nội trợ, mỗi ngày công việc của em bắt đầu từ khoảng 8h sáng đến tối với thu nhập khoảng 80 nghìn đồng/ngày, cũng phụ được chút ít cho gia đình nuôi cậu em trai đang học lớp 6.
   Cường cho biết, mỗi ngày làm được nhiều nhất khoảng 6 đôi giày. "Chỉ thỉnh thoảng mới có những bác xe ôm, ba gác hay cậu bé bán vé số ghé sửa giày dép nên em cũng hơi buồn. Em chỉ mong thật nhiều các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị tới sửa giày dép tại đây là em vui rồi".
   Bác Năm - một người lái xe ôm ở khu vực chợ Bàn Cờ (gần nơi Cường sửa giày) chia sẻ: "Cách đây mấy tháng, tôi cũng có đem đôi dép đứt quai cho Cu Beo may lại, khi sửa xong nó nhất định không lấy tiền. Thật sự cảm kích với tấm lòng của thằng nhỏ, khu này ai cũng biêt về công việc sửa giày miễn phí cho người nghèo của Cu Beo. Hôm trước cũng có người quét rác đem giày cho nó sửa nhưng nó cũng không có lấy tiền...".
                                                                                           Theo Tứ Quý / Trí Thức Trẻ


Chúa Nhật 29 Thường Niên - Năm B
Lời Chúa: 
 Mc 10,35-45
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến ghttp://kenh14.vn/xa-hoi/cau-chuyen-dep-ve-chang-trai-18-tuoi-sua-giay-dep-mien-phi-cho-nguoi-ngheo-sai-gon-20150901101243778.chnần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
"Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người." (Mc 10,45)

Thursday, October 15, 2015

CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG CÓ THẬT VỀ MỘT CON CHIM BỊ MÙ


      Một cặp đôi tìm thấy chú chim sẻ non ngoài ban công sau cơn bão, trông như đã chết, chỉ còn thoi thóp thở, bị kiến bâu đầy và bị mù. Câu chuyện được kể lại bằng những tấm ảnh cặp đôi chụp từ lúc mới tìm thấy chú chim.
     Cặp đôi mang chú chim nhỏ vào nhà đặt trong một chiếc hộp.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 1

       Sau một đêm, chú chim thức dậy với những tiếng hót chói tai. Cặp đôi cố cho chú ăn nhưng không được, do vậy họ đặt chú bên bậu cửa. Chú chim liên tục hót trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau đó.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 2

        Rồi chim sẻ bố tìm thấy con mình và bắt đầu săn mồi về cho con ăn.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 3

        Cứ 10-15 phút, chim sẻ bố lại đem tới những con bọ to và các mẩu bánh mỳ, liên tục cả ngày trong vòng 2 tuần.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 4

         Chú chim nhỏ lớn lên từng ngày nhưng vẫn mù

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 5

Cặp đôi quyết định gọi điện hỏi ý kiến một vị bác sĩ thú y. Ông khuyên họ nên thử nhỏ mắt cho chú chim.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 6

Việc đó hiệu quả như một phép màu! Chú chim bắt đầu biết trốn cặp đôi sau những khóm hoa.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 7

         Rồi chim sẻ bố bắt đầu dạy con bay.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 8

          Tới một ngày, chú chim sẻ con biến mất. Cặp đôi biết sớm muộn gì điều đó cũng sẽ xảy ra.      Đây là bức ảnh cuối cùng họ chụp được trước khi không thấy chú chim bên bậu cửa nhà mình nữa.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 9

           Họ chỉ thấy lo vì trong đêm đó và vài ngày tiếp theo, ngoài trời có giông và mưa rất to

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 10

        Tuy nhiên 3 hôm sau, chú chim sẻ non ngày nào đã quay trở lại ngủ trên một trong những chậu hoa đặt bên bậu cửa sổ của nhà cặp đôi.

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa 11

      Một con chim sẻ bị mù được một cặp vợ chồng đem về chăm sóc Cuối cùng,nó đã nhìn thấy và bay được.Câu chuyện nói về tình thương của con người đối với một con vật bị tàn tật và bị bỏ rơi
Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 12,1-7
1 Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. 2 Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. 3 Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
4 "Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Đấng ấy.
6 "Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
"Mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ." (Lc 12,7)

Wednesday, October 14, 2015

LẤY SỰ TRONG SẠCH CỦA MÌNH ĐỂ LÀM GƯƠNG


   
        Thời Đông Hán An, Dương Chấn được phân đến quận Đông Thái nhận chức trông coi quận. Trên đường phải đi qua huyện Xương Lã. Huyện lệnh ở đây là tú tài Vương Mật vốn do Dương Chấn tiến cử với vua. Đêm hôm đó, Vương Mật ôm 50 lạng vàng dò dẫm tới thăm Dương Chấn. Ông vừa nhìn đã hỏi ngay "Cái này để làm gì?", đương nhiên là Vương Mật nói đến cái ơn tiến cử của ông năm xưa và sự mong báo đáp của mình và nhất định muốn Dương Chấn phải nhận số vàng.
      Dương Chấn nghe xong, không nhúc nhích. Trước đây vì nghĩ đến tình bè bạn lâu năm mà ông tiến cử Vương Mật chứ quyết không phải mong có ngày được báo đáp. Thấy Vương Mật trước mắt làm như vậy, ông đành dùng lời bóng gió nói: "Trời ơi, lão bạn già này rất hiểu ông, nhưng sao ông lại chẳng chịu hiểu tôi một chút. Sao ông lại làm thế này?" Vương Mật biết đó là lời có hàm ý nhưng vẫn theo ý mình, lại còn nói "Đêm tối, không ai biết chuyện này đâu”. Dương Chấn nghe xong, cơn giận bốc lên, ông cảm tưởng như bị ai sỉ nhục vậy, liền nghiêm nét mặt nói "Trời biết, quỷ thần biết, ông biết, tôi biết, tại sao nói là không ai biết? . Đến lúc này Vương Mật mới biết Dương Chấn là con người thanh liêm, chính trực, xem sự tham ác như thù, không bị lợi nhỏ trước mắt xiêu lòng, đành xấu hổ cáo lui.
     Sau này, Dương Chấn lại nhậm chức Thái thú quận và vẫn giữ được phẩm chất liêm khiết, không nhận tiền của đút lót. Con của ông thường nhật cũng giống như ông vậy cuộc sống rất tiết kiệm, ăn rau dưa, đi bộ không dùng xe. Quan lại thời Đông Hán, không ít người lợi dụng chức vị của mình chiếm ruộng đất, của cải, mua chức tước, ngôi vị cho con. Cùng thời với ông, thậm chí lớn tuổi hơn ông số người tham lam như thế không ít. Mọi người hỏi sao ông không làm thế, ông trả lời: "Tôi muốn để cho hậu thế gọi con cháu tôi là phẩm chất chính trực, thanh liêm. Tài sản ấy còn chưa hậu hĩnh hay sao?" Lúc Dương Chấn đương chức, nhà Đông Hán đang ở hậu kỳ, chính trị đen tối, quan trường hủ bại, vậy mà Dương Chấn vẫn giữ trọn tấm thân trong sạch, thậm chí còn giáo dục được con cháu giữ đạo thanh liêm, quả là hạt ngọc giữa bụi trần.
     Điều làm Dương Chấn vui lòng nhất là con cháu ông đều giữ được nếp nhà. Con Dương Chấn giống hệt như ông, thanh liêm, cương trực. Các cháu Dương Chấn là Dương Bưu đều là những bậc quan liêm khiết nổi danh lúc ấy.

     http://maxreading.com/sach-hay/muu-tri-thoi-tan-han
  Giữ mình trong sạch,không tham lam,nhận của đút lót là một điều rất khó,nhất là trong thời đại hiện nay.Chỉ có những người thật sự có ý chí kiên cường và lương tâm trong sáng mới chiến thắng được mọi sư cám dỗ vật chất và dục vọng mà thôi.Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày,ta vẫn thỉnh thoảng nghe được có những người trả lại tài sản ,tiền bạc của người khác.đó là những tấm lòng đáng quý biết bao !
Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 11,37-41
37 Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. 38 Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.
39 Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. 40 Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? 41 Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".


"Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông." (Lc 11,41)

CÂU CHUYỆN XIN VIỆC CỦA HITACHI

                    
     Bạn có thể ngờ nhà kinh doanh nổi tiếng đất Nhật Bản Hitachi từng thất nghiệp không? Hitachi đã bị từ chối rất nhiều lần, nhưng cuối cùng ông đã thuyết phục nhà tuyển dụng bằng tính nhẫn nại và mềm mỏng của mình.
    Hồi còn trẻ, Hitachi - nhà kinh doanh nổi tiếng của Nhật Bản - cũng đã từng là một người thất nghiệp. Lúc ấy ông đã đến xin việc tại một công ty sản xuất đồ điện, ông bước vào phòng nhân sự của công ty và nói rõ nguyên nhân mình đến về việc gì và đề nghị họ sắp xếp cho ông một công việc, dù là thấp kém nhất. Người phụ trách thấy ông ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu, dáng người gầy nhỏ, thấy có vẻ không lý tưởng lắm nhưng không muốn nói thẳng, liền lấy cớ: “Hiện nay, chúng tôi không thiếu người, tháng sau anh quay lại xem sao nhé!”.
    Đó thực ra là một câu từ chối, nhưng không ngờ một tháng sau, ông đến công ty đó. Người này lại thoái thác là đang có việc, nên để vài ngày sau hãy nói. Vài hôm sau, ông lại đến công ty. Cứ như vậy vài lần nên người phụ trách đành nói rõ nguyên nhân: “Anh xem, anh ăn mặc xộc xệch, không thể vào làm việc ở công ty chúng tôi được đâu”. Thế là ông đã đi vay một ít tiền, mua cho mình một bộ quần áo tàm tạm và lại đến công ty. Người phụ trách nhân sự không còn cách nào khác liền nói với ông: “Anh biết quá ít về lĩnh vực đồ điện. Chúng tôi không thể nhận anh được”. 
    Hai tháng sau, ông lại đến công ty và nói: “Tôi đã học được chút kiến thức về đồ điện, ông xem có chỗ nào thiếu sót để tôi còn học thêm”. Người phụ trách nhân sự nhìn ông mãi rồi mới lên tiếng: “Tôi làm nghề này mười mấy năm, hôm nay mới gặp được một người xin việc như anh. Tôi thực sự rất khâm phục anh”. Hitachi đã thuyết phục người phụ trách bằng tính nhẫn nại và mềm mỏng của mình, cuối cùng thì ông cũng đã được vào làm tại công ty theo như ước muốn của mình. 

     Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy được nghị lực, ham học hỏi của Hitachi. Sự kiên trì, nhẫn nại của Hitachi đã nổi bật ngay từ lúc sự nghiệp của ông mới bắt đầu. Chúng ta không cần phải mô phỏng hệt theo ông, nhưng cần phải học tập tinh thần, biện pháp và nghệ thuật xin việc của ông, hãy biến ác mộng đó thành niềm vui, hãy chuyển hoá khó khăn thành những cơ hội cho bản thân mình.
                                                                                                       ------------
Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 11,5-13
5 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, 6 vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. 7 Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. 8 Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
9 "Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. 11 Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? 12 Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư?13 Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
"Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho." (Lc 11,9)